Trong văn hóa Việt Nam Kinh_Thi

Kinh điển Trung Hoa, trong đó có Kinh Thi, thâm nhập vào Việt Nam có thể kể từ khi bắt đầu thời Bắc thuộc khoảng đầu Công nguyên thông qua con đường giáo dục, mở trường học, truyền bá giáo lý Nho gia. Cho dù sự cai trị của người Hán không còn áp đặt lên Việt Nam từ sau năm 938, nhưng Nho giáo vẫn được coi trọng và truyền bá mạnh mẽ, dần dần trở thành ý thức hệ chính thống của các triều đại phong kiến Việt Nam. Kinh Thi bởi vậy cũng có ảnh hưởng to lớn đến văn hóa Việt Nam nói chung, văn học Việt Nam nói riêng.

Bản dịch Nôm bài thơ Quan thư trong sách Thi kinh Thập ngũ quốc phong diễn âm ca khúc do Nguyễn Tư Đại biên soạn năm 1902

• Ảnh hưởng của Kinh Thi với văn hóa Việt Nam sâu rộng nhất là ở lĩnh vực nghệ thuật. Kinh Thi được coi là khuôn vàng thước ngọc cho sáng tác văn chương của nhà nho như Lê Quý Đôn từng ca ngợi "Thơ khởi phát từ trong lòng ta. Ba trăm bài thơ trong Kinh Thi phần nhiều là của nông dân, phụ nữ làm ra, mà cũng có những bài các văn sĩ đời sau không theo kịp được, như thế là vì nó chân thực[73]". Các tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm của văn học Việt Nam thời trung đại đều ít nhiều có điển cố, điển tích của Kinh Thi. Khi thì mượn ý tứ để sáng tác, khi thì mượn nguyên vần, có câu lấy hai đến ba hình ảnh trong Kinh Thi, thậm chí có bài phú lấy hầu hết ý trong Kinh Thi để thể hiện ý đồ sáng tác[72]. Như bài thơ Tiễn Nguyễn Biểu đi sứ tương truyền do vua Trần Trùng Quang sáng tác, đã dùng chữ "hoàng hoa" để chỉ việc đi sứ của Nguyễn Biểu, đó là lấy ý từ bài Hoàng hoàng giả hoa trong Tiểu nhã. Bài Cỗ đầu người của Nguyễn Biểu có câu "Ca lối lộc minh so cũng một", chính là điển tích trong bài Lộc minh của Kinh Thi. Câu thơ ở Chinh phụ ngâm

Nương song luống ngẩn ngơ lòngVắng chàng điểm phấn trang hồng với ai

khá gần gũi với bài Bá hề (Vệ phong). Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng là ví dụ tiêu biểu cho sự học tập ngôn ngữ Kinh Thi. Câu "Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì" lấy ý từ bài Đào yêu, lại có câu

Sầu đong càng lắc càng đầyBa thu dọn lại một ngày dài ghê

có thể coi là sự phiên dịch câu "Một ngày chẳng gặp, dài tựa ba thu" ở bài Thái cát (Vương phong). Thống kê cho thấy, các điển cố Kinh Thi xuất hiện thường xuyên trong văn học Việt Nam là "đào yêu", "lân chỉ", "thuyền bách"...[72].

Trong diễn xướng, vở chèo Quan Âm Thị Kính mở đầu bằng cảnh Thiện Sĩ ngồi học bài, Thị Kính ngồi khâu. Thiện Sĩ học rất to tiếng và bài học của chàng chính là Quan thư (Chu Nam). Trong chèo Việt Nam còn có điệu Quân tử vu dịch với những câu như "Những khi tựa cửa, ngao ngán cảnh xa chồng. Rày ngóng mai trông...", Quân tử vu dịch chính là tên một bài thơ trong Vương phong.

• Về giáo dục và kinh học, Kinh Thi là tài liệu học tập thường xuyên của mọi Nho sĩ Việt Nam thời phong kiến mà bản Kinh Thi thông dụng nhất thời ấy là bản Mao thi có Chu Hy làm Truyện. Cùng với các bộ sách kinh điển khác của Nho giáo, Kinh Thi từng được dùng làm đề tài trong khoa cử của Việt Nam mà niên đại xưa nhất chúng ta còn biết là từ thời nhà Trần[74]. Hai bộ sách Thi kinh sách lược 詩經策略 ký hiệu VHv.385 và VHv.433 hiện lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam còn ghi chép được hơn 530 bài văn sách có đề tài trong Kinh Thi; sách Ngũ kinh tiết yếu 五經節要 của Bùi Huy Bích, Ngũ kinh loại thuyết 五經類說, Ngũ kinh xuyến châu tự 五經串珠序, đều tóm tắt nội dung và chú giải của năm kinh, trong đó có Kinh Thi, nhằm phục vụ cho học trò trong các kì khoa cử. Các loại sách tham khảo, "luyện thi" như vậy rất nhiều trong khi các trước tác khảo cứu bình giảng kinh văn ở Việt Nam rất ít ỏi. Bởi vì theo quy định từ đời Tống trở về sau, phàm học trò đi thi, khi giải nghĩa sách kinh điển thì phải theo đúng giải nghĩa của tiên nho (cụ thể là Tống Nho), nếu không dù sáng tạo sắc sảo vẫn bị đánh hỏng[75], khoa cử Việt Nam cũng vậy.

Tuy nhiên, trong giới học thuật Việt Nam vẫn luôn có ý thức bài bác, đưa ra ý kiến trái ngược với chú thích của Tống Nho. Như Hồ Quý Ly đã dịch Kinh Thi và viết sách Quốc ngữ Thi nghĩa 國語詩義 bằng chữ Nôm để giải thích lại Kinh Thi. Bài tựa do ông viết không theo ý của Chu Hy[74]. Đặc biệt là vào khoảng thời Nguyễn, trào lưu "giải kinh học" (declassicize) "giải huyền thoại" (demythify) ở Trung Quốc đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc tiếp nhận Kinh Thi của nho giả Việt Nam. Tiêu biểu là Nguyễn Văn Siêu khi ông cho rằng lời khảo chứng của Chu Hy "vẫn còn nhiều điều đáng ngờ"[76].

Bìa sách Thi kinh giải âm khắc in năm 1714

• Phong trào phiên dịch Kinh Thi sang chữ Nôm nở rộ với phát súng mở đầu Quốc ngữ Thi nghĩa của Hồ Quý Ly. Sau đó có Nguyễn Quý Cảnh thích nghĩa Tứ Thư Ngũ Kinh, Nguyễn Thiếp dịch Ngũ Kinh sang chữ Nôm theo yêu cầu của vua Quang Trung, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm viết cuốn Thi kinh quốc âm ca 詩經國音歌, nhưng các tư liệu này đều chưa/không tìm được[21]. Thư tịch dịch thuật Kinh Thi cổ xưa nhất của Việt Nam còn lại đến ngày nay là sách Thi kinh giải âm 詩經解音, chưa rõ dịch giả, khắc in năm 1714, rồi được viện Sùng Chính đời Tây Sơn cho tái bản theo chiếu chỉ giục gấp của Quang Trung. Sau đó là tác phẩm Thi kinh đại toàn tiết yếu diễn nghĩa 詩經大全節要演義 khắc in các năm 18361837[21]. Đó là các tác phẩm dịch Kinh Thi sang văn xuôi.

Các tác phẩm dịch Kinh Thi sang thơ gồm có Thập ngũ Quốc phong diễn âm 十五國風演音, Thi Kinh quốc ngữ ca 詩經國語歌 và một số bản dịch lẻ tẻ các thiên Thất nguyệt, Tiểu nhung của Phạm Đình Toái. Hiện nay, Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam còn lưu giữ được 8 tác phẩm, 19 văn bản, 31 ký hiệu sách với tổng số 5368 trang văn bản dịch[21].

Vào thế kỉ 20, Kinh Thi lại được dịch sang chữ Quốc ngữ, tập trung nhất là bốn bản dịch.

Đầu tiên là bản tuyển dịch của Tản Đà, Nghiêm Thượng Văn, Đặng Đức Tô do Nghiêm Hàm ấn quán xuất bản ở Hà Nội năm 1924[77]. Bản này chọn dịch 63 bài, nhưng mỗi bài không nhất thiết chọn hết, gồm các phần: Hán văn, phiên âm Hán Việt, chú thích, dịch thơ, giảng nghĩa. Năm 1992, Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh cho in lại, có sửa chữa, in thêm 27 trang Dẫn nhập ở đầu do Trần Văn Chánh viết.

Hai là bản dịch Thi kinh tập truyện của Chu Hy do Tạ Quang Phát dịch, in lần đầu tiên năm 1968Sài Gòn do Trung tâm Học liệu bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa phát hành nhưng mới được tập đầu. Sau đó, Nhà xuất bản Văn học tái bản trọn bộ ba tập vào năm 19911992, Nhà xuất bản Đà Nẵng tái bản vào năm 2003, Nhà xuất bản Văn học lại tái bản vào năm 2004. Bản này dịch hết 311 bài thơ, gồm nguyên bản Hán văn, phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ, chú giải, bình giảng.

Ba là bản tuyển dịch Kinh Thi tinh tuyển của Phạm Thị Hảo do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành với 100 bài thơ được dịch, mỗi bài gồm nguyên bản Hán văn, phiên âm Hán Việt, dịch nghĩa, chú thích.

Cuối cùng là bản Kinh Thi in trong bộ sách Ngữ văn Hán Nôm: Ngũ kinh do Trần Lê Sáng giới thiệu và dịch chú, Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 2002 với 53 thiên được dịch, gồm nguyên bản Hán văn, phiên âm Hán Việt, dịch nghĩa, chú thích. Ngoài ra, Trần Văn Chánh còn cho biết Nam Trân có một bản dịch nhưng chưa công bố[21].

• Từ nửa cuối thế kỉ 18, khi sưu tầm thơ ca dân gian Việt Nam, các nhà nho Việt Nam cũng có xu hướng học tập kết cấu của Kinh Thi. Trần Danh Án sưu tập và biên soạn Quốc phong giải trào 國風解嘲, Ngô Đình Thái tiếp tục sưu tập và biên soạn Nam phong giải trào 南風解嘲 và Nam phong nữ ngạn thi 南風女諺詩 [78]. Mộng Liên Đường chủ nhân Nguyễn Đăng Tuyển soạn Quốc phong thi tập hợp thái 國風詩集合採, Nguyễn Văn Mại thì đặt là Việt Nam phong sử 越南封史[77].

Họ đều ghi chép tục ngữ ca dao bằng chữ Nôm, rồi dịch ra chữ Hán và chú thích theo cách chú giải của Chu Hy vì có ý đem ca dao Việt Nam so sánh với thơ Quốc phong của Kinh Thi[78]. Với hai câu "Thương chồng nên phải gắng công/ Nào ai xương sắt da đồng chi đây", Nguyễn Mại làm truyện rằng "Trưng Vương là đàn bà, báo thù cho chồng mà đánh đuổi Tô Định, thực là gan vàng dạ sắt". Hay như câu "Hoa thơm, thơm lạ thơm lùng/ Thơm cành thơm rễ, người trồng cũng thơm" thì được ông cho là ám chỉ việc Lý Huệ Tông lấy bà Trần Thị Dung mà họ Trần được vinh hiển. Việc mô phỏng Truyện của Chu Hy để chú thích ca dao như vậy đôi khi là khiên cưỡng, gán ghép, làm sai lạc đi ý nghĩa của mỗi câu ca dao[79].